quang cao
quang cao
  Dịch vụ
  Thống kê truy cập
Đang truy cập
Lượt truy cập
  Tác giả Trò chơi Trí Uẩn - 7 quân chắp ra 1000 hình
Bài tham dự cuộc thi viết "Người Hà Nội"
 
 
                          Nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn
                                                                (1916 - 1995)
 
 
Ngày 19/8/1945, Hà Nội tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 22/8/1945, các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc họp tại Bắc Bộ phủ thì đồng chí Xuân Thủy đến xin phép Tổng bí thư cho Báo Cứu quốc ra công khai. Đồng chí Trường Chinh đồng ý. Xuân Thủy băn khoăn: “Bây giờ anh em viết báo đã có, nhưng chúng tôi cần một người điều khiển nhà in và sửa morat mà không ai biết. Tôi đã đi tìm, mãi vẫn chưa được ai”. “Đồng chí đi tìm cậu Nguyễn Trí Uẩn – Tổng bí thư Trường Chinh trả lời – trước đây cậu ấy ở với tôi 2 năm để làm báo Letravail (Lao động) . Trước đó, Nguyễn Trí Uẩn đã bí mật cho ra mắt đồng bào Thủ đô tờ Khởi nghĩa vào tháng 10/1944, do ông là chủ nhiệm kiêm chủ bút. Và Lê Văn Chỉ (bí danh của Nguyễn Trí Uẩn) biết có một nhà in Topin trên phố Tràng Tiền của Pháp bị Nhật tịch thu chưa sử dụng, vẫn còn niêm phong nên đảm nhiệm đi trưng dụng, sau khi xin một tiểu đội chiến sĩ giải phóng quân của tướng Giáp cùng đi làm nhiệm vụ. Ngày 24/8/1945, báo Cứu quốc công khai ra số đầu tiên in trên 2 trang giấy trắng, lá cờ đỏ sao vàng được trùm cả trang nhất, đó là tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm. Măng séc báo đề: “Năm thứ 4, số 31, ngày 24/8/1945”. Đồng chí Xuân Thủy viết bài xã luận đầu tiên - Lời chào Cứu Quốc: “Cứu quốc! Tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc Việt Nam, tiếng kêu thống thiết của đồng bào hơn 80 năm nô lệ, tiếng thét căm hờn của hàng vạn chiến sĩ bị bắt bớ, tra tấn, tù đày, bắn giết chỉ vì tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc…
 
Để đạt được mục đích cứu quốc, hơn 3 năm nay, báo Cứu Quốc sống âm thầm trong hang núi rừng sâu và trong những túp lều tranh u uất, hôm nay nó đã vươn mình ra ánh sáng.
Hơn ba năm qua nó đã vượt qua muôn trùng nguy hiểm để đến tay đồng bào và giờ đây nó đã đường hoàng ra mắt độc giả…”
 
Nguyễn Trí Uẩn sinh ngày 1/10/1916 tại thôn Mậu Lương, xã Kiến Hưng (Hà Đông – Hà Nội). Tham gia cách mạng từ khi còn là học sinh trường Bưởi, sau thắng lợi Điện Biên Phủ, ông Trí Uẩn chuyển sang hoạt động bên lĩnh vực văn hóa tại NXB Ngoại văn (nay là NXB Thế giới) cho tới khi về hưu. Ông mất ngày 4/2/1995 trong cảnh khó khăn vất vả nhưng thanh bạch giữa phố cổ Hà Nội. Trên mộ, các con đã cho khắc hình 7 miếng ghép của trò chơi nổi tiếng mang tên ông – Trí Uẩn.
 
* Ảnh tác giả Nguyễn Trí Uẩn được sử dụng theo báo Người Hà Nội trang 7 số 30 - ra ngày 27/7/2007 của tác giả Kiều Mai Sơn với tiêu đề: Người chiến sĩ cách mạng Nguyễn Trí Uẩn, phó chủ nhiệm báo Cứu Quốc năm xưa
 
* Nội dung: Được trích phần Nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn của tác giả Dương Thái Sơn - Như Mai trong bài báo dự thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động.
 
 
                                                                 Dương Thái Sơn – Như Mai
 
(Bài tham dự cuộc thi viết/ tìm kiếm 100 nhân vật Hà Nội do TT&VH phát động.
Chi tiết xin xem tại Nguoihanoi.thethaovanhoa.vn)
 
 

    HOÀN CẢNH RA ĐỜI CỦA TRÒ CHƠI TRÍ UẨN

 

Ông Nguyễn Chiến Thắng, người con cả của nhà cách mạng Nguyễn Trí Uẩn đã kể khá chi tiết về xuất xứ của trò chơi Trí Uẩn. Tháng 5/1940, Nguyễn Trí Uẩn bị Pháp bắt đi an trí ở Thanh Ba, Phú Thọ. Và được sự đồng ý của đồng chí Lương Khánh Thiện, lãnh đạo Xứ ủy của Đảng lúc bấy giờ, ông đã trốn về Hà Nội hoạt động bí mật. Lúc này địch khủng bố trắng, mật thám nhan nhản khắp nơi lùng sục. Vì thế rất nhiều ngày không thể ló mặt ra ngoài, Nguyễn Trí Uẩn phải ẩn náu trên gác bếp 42 phố Huế - Hà Nội. Trong lúc buồn bực, tù túng, ông tìm cách giải trí bằng cách cắt các miếng bìa ra để chắp hình. Sau nhiều phương án tác giả đã tìm ra cách cắt 7 quân từ 1 hình chữ nhật có chiều 8cm x 10cm. Từ 7 quân có cấu trúc hình học rất hợp lý, tác giả nhanh chóng sáng tác ra nhiều hình rất đẹp, rất giống và trở thành một hình thức giải trí rất tốt.

                          TRÒ CHƠI TRÍ UẨN

 

Bảy miếng nghìn hình là một trò chơi giải trí đặc biệt. Nó đặc biệt ở chỗ chỉ dùng bảy miếng gỗ (hoặc miếng bìa cứng) mà có thể chắp ra tới hàng trăm, hàng nghìn hình rất lạ. Trong những năm 1940 đến năm 1943, từ Sài-gòn đến Hà Nội, nhiều người đã quen thuộc với tên cũ của nó là Ê-vơ-rơ-tô (Evereto) (kể cả những người nước ngoài sống trên đất nước ta).

Từ ngày hoà bình lập lại - tác giả, bạn Trí Uẩn đã sáng tác thêm nhiều hình mới - trò chơi này được in lại và được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga…
 
 
                                                Báo Nhân Dân ngày 4-8-1957
 

Trí Uẩn, hiểu đơn giản là một trò chơi để rèn luyện trí tưởng tượng và sáng tạo của con người. Từ những miếng ghép cố định được thiết kế theo những tiêu chuẩn giản đơn hết mức, người chơi có thể suy nghĩ và tưởng tượng, để ghép thành nhiều hình khác nhau. Một trái tim nhưng có thể ghép theo 28 cách khác nhau, một quả tạ có thể lên tới 88 cách ghép. Và Trí Uẩn có sức gợi mở lớn là không có bất cứ giới hạn nào với người chơi, miễn là có đủ tư duy logic và có sự sáng tạo. Thế nên, những hình mới được tạo nên từ 7 miếng ghép là không ngừng. Mỗi người có thể tự sáng tạo cho mình những cách ghép hình khác nhau, tạo cho mình những hình mới.

Cuốn sách nhỏ bằng bàn tay, được lưu tại Thư viện quốc gia có tên "Trí Uẩn" in năm 1959, đã có rất nhiều bạn đọc phản hồi và được ghi lại. "Từ năm 1945 tôi là học sinh đã chơi Evereto. Trò chơi này giải trí và vui, giúp cho tôi tính toán nhanh và chính xác. Thiếu nhi, học sinh cũng như người lớn chơi rất tốt" - lời của một người lính tên Lê Khắc Thường, tỉnh Thái Nguyên. Nghĩa là từ những năm 1940, Trí Uẩn đã được khai sinh. Và hơn nửa thế kỷ qua, nó vẫn tiếp tục phát triển, dù thăng trầm, dù bị những trò chơi hiện đại làm cho chìm khuất, nhưng giá trị của Trí Uẩn vẫn còn nguyên vẹn.

Cuộc đời của Trí Uẩn trước tiên là gắn với Báo "Cứu quốc". Khi ấy, ông là một trong những người đầu tiên thực hiện tờ báo và về sau, đến tận khi nghỉ hưu, ông cũng làm việc trong ngành xuất bản. Anh Hùng nhớ lại, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, ông chủ yếu loay hoay với những miếng ghép để sáng tác thêm những hình mới. Ông đã ghép ra hàng ngàn bức hình đẹp. Với 7 quân Trí Uẩn, ông ghép đủ 10 chữ số và 24 chữ cái, ghép hình tượng Các Mác, Lênin, minh họa được 18 bài thơ của La Fontaine. Còn ông Chiến Thắng kể trên blog của mình: "Ít ai biết đến trò chơi Trí Uẩn đã nuôi sống nhiều đồng chí hoạt động bí mật trong lòng Hà Nội những ngày tiền khởi nghĩa tháng tám, cung cấp giấy để in Báo "Cứu quốc", Báo "Cờ giải phóng", in Báo "Khởi nghĩa" và nhiều truyền đơn bí mật ngay trong lòng Hà Nội".
 

Cái tên của trò chơi Trí Uẩn, theo lời anh Nguyễn Trí Hùng, là do Bác Hồ đặt. Khi hoà bình lập lại, Bác Hồ và phái đoàn của Đảng và Chính phủ ta đi thăm một số nước, đã mang bộ đồ chơi này làm quà tặng và tên của chính tác giả Trí Uẩn được lấy làm tên trò chơi. Sau 18 lần xuất bản, năm 1974, ông cho ra đời 2 tác phẩm mới của trò chơi Trí Uẩn là "Việt Nam kiên cường" và "Đông Dương quật khởi". "Việt Nam kiên cường" đã được in 5 vạn bản vào 1974 (còn "Đông Dương quật khởi" đã không được in do điều kiện thời đó). Trò chơi Trí Uẩn đã được coi là một trong những trò chơi "độc nhất vô nhị", được bắt đầu từ một tình thế khắc nghiệt của cuộc sống và đã là thú giải trí gần như duy nhất của nhiều thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam suốt thời chiến tranh. Trí Uẩn đã đi vào dân gian cùng trò chơi của mình. Tháng 3/1984, ông đã được đài truyền hình giới thiệu về những trò chơi của mình.

 
 
  Bài viết mới
  Download phần mềm
  Hỗ trợ trực tuyến
Kinh doanh
Đặt hàng 0912421794
Giải đáp sản phẩm
Thông tin SP 0936497887

Công ty TNHH Trí Nguyễn
Địa chỉ nhận hàng: 129 Phùng Hưng, P.Cửa Đông,Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội
Điện thoại: 091.242.1794 – 04.66734719